Bài đăng nổi bật




Năm 2010, Sir Ken Robinson đã có bài nói chuyện rất tuyệt vời trên TED.com với tựa “Bring on the learning revolution”. Bài nói chuyện này chính là sự nối tiếp của buổi nói chuyện cách đó 4 năm (tức năm 2006), về việc “Trường học đang bào mòn sự sáng tạo” như tôi đã đề cập trong entry trước.

Sir Ken Robinson với phong cách nói chuyện rất dí dỏm và hài ước nhưng vô cùng sâu sắc, đã mang đến cho tôi nhiều cảm hứng và nghĩ suy về giáo dục. Hôm nay, lại là một entry nữa được gợi cảm hứng từ ông với Talk “Bring on the learning revolution!” (Hãy mang lại cuộc cách mạng giáo dục).

Mỗi con người sinh ra vốn đã có một tài năng rất tự nhiên và ngầm định. Nhưng tài năng ở mỗi một người là khác nhau. Và quan trọng hơn, tài năng của con người như nguồn tài nguyên thiên nhiên vậy, đôi khi bị vùi sâu bên trong, không dễ gì thấy nó. Vì nó bị vùi sâu, và có nhiều người đã không tìm ra tài năng thật sự của mình nên họ đã làm những việc mà họ không yêu thích chỉ để sống và tệ hơn là có người nghĩ “mình không hề có tài cán gì”. Tuy nhiên, cũng có những người biết họ muốn gì, họ thích gì và mỗi ngày họ đều làm công việc mà mình yêu thích.
Vì vậy, cái quan trọng giáo dục cần làm là  tạo môi trường giúp con người khai phá ra khả năng thật sự của mình rồi phát triển bồi đắp nó. Thế nhưng, nền giáo dục hiện thời, theo một cách nào đó, đã đẩy rất nhiều người ra xa tài năng thật sự của họ.  Tại sao lại vậy?

Hệ thống giáo dục như hiện tại – hệ thống giáo dục sinh ra để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa đã trở nên lỗi thời không làm được như thế.  Với nền giáo dục hiện tại là giáo dục từ thắt lưng trở nên, tập trung vào cái đầu, và nghiêng hẳn về bên trái : tức là chỉ chú trọng tới những kỹ năng như: tính toán, đọc viết. Còn các kỹ năng khác như múa, vẽ, hát lại không có chỗ xứng đáng trong giáo dục. 

Chúng ta có công cuộc cải cách giáo dục, nhưng theo như Ken nói thì điều đó không đủ. Bởi vì, bản chất của cải cách giáo dục chỉ là vá víu trên một hệ thống đã đổ vỡ. Vậy cái chúng ta cần làm là mang lại một cuộc cách mạng thực sự cho giáo dục. Làm sao để đổi mới một cách cơ bản nền giáo dục, để  tạo ra cuộc cách mạng chứ không phải là cải cách giáo dục?

Sir Ken Robinson đã ví mô hình giáo dục hiện tại giống như mô hình “Fast food” – đồ ăn nhanh, mọi thứ đều được chuẩn hóa. Và chúng ta đang bán rẻ mình cho “giáo dục nhanh” – và nó đang tàn phá cơ thể chúng ta như đồ ăn nhanh vậy.

Đồ ăn ai đó nấu dành riêng cho bạn, tùy thuộc vào khẩu vị của bạn, họ sẽ nêm nếm cho vừa, có lẽ là đồ ăn bạn yêu thích hơn cả. Vậy đó, cách mạng giáo dục cũng cần như thế. Chúng ta cần “cá nhân hóa trong giáo dục”. 

Đó là cần có những giáo trình mang tính cá nhân hóa cho giáo dục. Đó là phải có tư duy giáo dục mở, không bị gượng ép trói buộc theo đường lối cũ, đó là phải làm cái gì đó mới hòan toàn, khác hòan toàn.

Theo Robinson, chúng ta phải bỏ đi mô hình giáo dục công nghiệp, một dây chuyền sản xuất sản xuất con người, dựa trên sự tuyến tính, và cứng nhắc. Chúng ta phải tiến tới một mô hình đặt nền tảng thiên về những tính chất của nông nghiệp. Ta phải nhận ra rằng vun trồng con người không phải là một quá trình cơ khí, mà là một quá trình sinh học. Không thể đoán trước được sản phẩm của nó; tất cả những gì bạn có thể làm, giống như một nông dân, là tạo ra điều kiện để con người phát triển.

Nói đến đây, tôi lại nghĩ lại có một câu Bác Hồ đã nói từ lâu “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Và từ “trồng người” ở đây đến bây giờ mới thực là thấm thía.

Tôi bỗng nhớ tới những ví dụ mà tôi nghĩ rằng họ đang góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng cho giáo dục như SOLE của Sugata Mitra, hay Khan Academy và gần hơn nữa rất gần quanh ta đó là Cánh Buồm – Giáo Dục Hiện Đại. 

Với tầm nhỏ nhoi của mình tôi khó lòng mang đến cái gì đó to tác như CÁCH MẠNG GIÁO DỤC cho hệ thống giáo dục hiện tại. Nhưng có lẽ trong tầm nhìn hạn hẹp của mình, tôi có thể cá nhân hóa được một phần nhỏ nào đó trong việc dạy và định hướng cho sinh viên của mình trong tương lai. 

Luôn suy nghĩ về “cá nhân hóa trong giáo dục” và cố gắng tìm ra cách để giúp sinh viên phần nào đó khai quật được tài năng thiên bẩm của họ :D. Việc này quá khó, nhưng dù sao cũng sẽ cố gắng còn hơn là không cố gì!

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn