Bài đăng nổi bật

Nếu cho bạn vẽ một bức tranh về các lớp học đang diễn ra trên thế giới này thì hình ảnh gì sẽ hiện lên trong đầu bạn? Phải chăng sẽ là hình ảnh quen thuộc: một giáo viên sẽ đứng trên bục và thuyết giảng, còn lại 20-30 (và có thể là nhiều hơn thế) đang lắng nghe ở phía dưới.

Và sẽ có trò giơ tay phát biểu (đấy là may mắn trò chăm hỏi) là “thưa cô đoạn này em chưa hiểu, cô giảng lại cho em được không ạ?”. Cô vui lòng giảng lại (trong khi 5-7 bạn đã hiểu bài rồi). Và sau một lần giảng lại, trò lại hỏi câu khác vì vẫn chưa hiểu rõ (trong khi vấn đề đó bây giờ đã có 10-15 người hiểu rồi). Có thể giáo viên sẽ giảng lại, có thể không giảng lại (phải đi tiếp để chạy đua với thời gian trên lớp)…nhưng dù theo cách nào thì ta dễ nhận thấy là có một sự vô lý đùng đùng đang diễn ra ở đây.

Bạn chậm phải chạy đua theo bạn khá, bạn khá lại phải đợi bạn chậm.  Tôi vẫn gọi đó là “Một cỡ cho tất cả”. Và từ hàng trăm năm nay, các lớp học vẫn được cấu thành như thế, sự vô lý đó vẫn nghiễm nhiên tồn tại như một sự thật tưởng như là bất biến.

Cách giáo dục RẬP KHUÔN như vậy thì sẽ chỉ sản sinh ra được những DÂY CHUYỀN SẢN PHẨM cũng MÁY MÓC mà thôi. Tương lai là không đoán định được, chúng ta cần những con người sáng tạo, và những con người sáng tạo, không thể nào sản sinh ra từ những lò sản xuất công nghiệp!

Rồi tôi đã mơ về nghề giáo như là NGƯỜI NÔNG DÂN VUN TRỒNG CÂY CỐI. Tại sao tôi lại có cái ý nghĩ kỳ quặc ấy, tất cả là từ ơn khai sáng của ngài Ken Robinson, và sự ham hố khi nhìn thấy cách Khan Academy triển khai các lớp học Toán tại MỸ.

Người ta vẫn nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” thế thì “mỗi sinh viên, mỗi nhịp học” là hoàn toàn khác nhau. Cớ sao ta phải o ép cho chúng cùng một nhịp làm chi? Ta hãy làm theo cách người NÔNG DÂN làm, kệ cho nó phát triển theo nhịp sống của cây, ta chỉ bón phân, tưới nước và bắt sâu theo nhu cầu của cây mà thôi. Ví dụ cây Táo có sâu thì ta bắt, cây Ổi lá vàng thì ta bón Lân, cây Bưởi sắp ra quả thì ta bón Kali….cứ thế mà chăm.

Và tôi đã mơ về sự nghiệp TRỒNG NGƯỜI của mình y như thế. Tôi vẽ ra cho em con đường đi, còn đi tới đâu, tốc độ ra sao là tùy vào các em. Tôi mãi chỉ là người nông dân đi bên cạnh vun trồng mà thôi. Cái người nông dân đi trồng người ấy vẫn thường mơ về cụm từ “CÁ NHÂN HÓA trong GIÁO DỤC”.
Và kể từ khi biết đến Khan Academy tôi đã thầm ấp ủ hiện thực hóa giấc mơ “CÁ NHÂN HÓA trong GIÁO DỤC”.

Tôi đã CÓ một lớp học có 20 sinh viên, với 20 trái tim khác nhau, 20 tính cách khác nhau, 20 bộ não khác nhau sẽ có 20 nhịp học bài khác nhau. Nếu bạn làm với cách truyền thống, dù bạn có thiết kế bài giảng tốt đến đâu, lên kịch bản giờ học tốt đến đâu thì bạn cũng sẽ vẫn là người BẮT NHỊP cho cả lớp, và cả lớp vẫn phải theo nhịp mà cô chỉ đạo.

Nếu giờ thay vì là bạn bắt nhịp cho lớp học, bạn hãy đưa ra DANH SÁCH những việc CẦN LÀM cho môn học kèm theo học liệu, rồi sau đó sinh viên sẽ TỰ Động hoàn thành công việc đó theo đúng cách của mình, theo đúng tốc độ suy nghĩ của mình. 

Ví dụ hôm nay là buổi học thứ 4/7, có bạn đã làm xong CHƯƠNG 5, có bạn mới làm xong CHƯƠNG 3, thậm chí có bạn mới xong Chương 2… tốc độ là cực kỳ khác nhau … và giáo viên vẫn CHĂM SÓC được hết! Tuy vất vả nhưng mà vui! Ai cũng tự tin học tập. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần theo dõi, chấm điểm quá trình học để các bạn phấn đấu ghanh đua cùng nhau tiến bộ. Ngoài ra, để làm được người nông dân làm việc năng suất thì ta cũng cần có có công cụ hỗ trợ hiện đại ví như Codecademy, Youtube, ....

Và tôi đã hiện thực hóa nó được một phần nhờ có anh chàng Flip Teaching!

P/S: bạn có thể đọc lại các bài liên quan đến Flip Teaching để thấy được cách tôi hiện thực hóa giấc mơ của mình :D


Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn