Tài năng bẩm sinh không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành bại của mỗi người.  Bởi bên cạnh đó, chìa khóa tạo nên thành công lại là điều mà ai cũng đều có thể xây dựng và rèn luyện: Sự bền bỉ.

Bạn đã từng nghe qua câu nói “Thiên tài 1% đến từ bẩm sinh và 99% đến từ rèn luyện” của Albert Einstein, hay những câu tục ngữ của ông cha ta ngày xưa như “Cần cù bù thông minh” hoặc “Có công mài sắt có ngày nên kim” rồi phải không? Không phải nghiễm nhiên mà giờ đây, chúng ta có được những đúc kết này.
Tiến sĩ tâm lý học Angela Duckworth – Giảng viên ngành Tâm lý Đại học Pennsylvania (Hoa Kì) và là người tiên phong nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng tới sự thành công của con người – khẳng định Grit (Sự bền bỉ) mới chính là chìa khóa để thành công thay vì trí tuệ như nhiều người vẫn nghĩ.
Suốt thời thơ ấu của mình, Angela Duckworth đã được nghe từ “thiên tài” rất nhiều lần nhưng không phải là để ca ngợi cô. Bố Angela luôn cho rằng cô cũng như những đứa em của cô không có tố chất, không thông minh và không phải là “thiên tài.” Điều đó khiến cho ông lo sợ rằng con gái mình không thể thành công trong cuộc sống. Lớn lên, cô trở thành nhà tâm lý học nổi tiếng, nhận được giải thưởng MacArthur Fellowship hay còn gọi là giải thưởng Thiên tài (Genius Grant) – một giải thưởng danh giá được đưa ra bởi Quỹ John D. và Catherine T. MacArthur dành cho những cá nhân có “những cống hiến và tính độc đáo phi thường trong các hoạt động sáng tạo của mình, một năng lực đáng kể cho sự tự định hướng”.

Sau khi từ bỏ công việc mơ ước tại Mckinsey - tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực tư vấn chiến lược kinh doanh - để trở thành giáo viên, cô nhận thấy rằng “IQ không phải là khác biệt duy nhất giữa những học sinh xuất sắc nhất và những học sinh kém nhất. Một số học sinh xuất sắc nhất của tôi không có chỉ số IQ cao vót. Một số em thông minh nhất thì lại không phải là những học sinh xuất sắc nhất.” (TED Talks, 2013). Nhận định này cùng với sự thành công của bản thân trong khi luôn bị cho là không thông minh đã khiến Angela Duckworth trăn trở: “Điều gì mới là chìa khóa để đạt được thành công?”. Chính vì vậy cô đã từ bỏ bục giảng và trở thành một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng tới sự thành công của con người: Sự bền bỉ.
Theo Angela Duckworth: “Sự bền bỉ bao gồm lòng đam mê và sự kiên trì để đạt tới một mục tiêu dài hạn. Bền bỉ nghĩa là có sức chịu đựng tốt. Bền bỉ là luôn hướng tới tương lai của bạn, ngày này qua ngày khác, không chỉ trong một tuần, không phải trong một tháng mà trong nhiều năm liền, và luôn cố gắng làm việc để biến tương lai đó thành hiện thực. Bền bỉ nghĩa là sống như thể cuộc đời là một cuộc chạy marathon, chứ không phải một cuộc chạy nước rút.

Hai cấu phần của sự bền bỉ: Kiên trì & Đam mê cho mục tiêu dài hạn

Một người bền bỉ, theo Angela, là một người có khả năng kiên trì với mục tiêu dài hạn của mình. Kiên trì ở đây là sự chăm chỉ và khả năng hồi phục đáng kinh ngạc, nhiều đến nỗi mà bạn sẵn sàng tiếp tục công việc dù có gặp bất kỳ khó khăn, thử thách, chướng ngại vật và thậm chí là thất bại. Đó là khi bạn tập trung vào mục tiêu dài hạn và không để những thử thách cản trở mình. Khi kiên trì với mục tiêu dài hạn của bản thân, những thất bại hay khó khăn ngắn hạn trước mắt chẳng còn là vấn đề to tát bởi bạn biết, muốn chạy nhanh thì cần bắt đầu với những bước đi chập chững và vấp ngã.


Photo by Sagar Pitale
Thêm vào đó, bền bỉ là khi bạn có đam mê. Để đạt được thành công, Angela Duckworth cho rằng quá trình cũng quan trọng như kết quả cuối cùng: “Ngay cả khi trong quá trình làm việc có điều gì khiến họ chán nản hay mệt mỏi thì họ cũng không có ý định bỏ cuộc vì đam mê của họ sẽ chữa lành tất cả.”
Dù là một người bình thường hay một nhà khoa học nổi tiếng, thành công đều đến từ niềm đam mê và sự kiên trì không ngừng nghỉ để đạt được mục tiêu mình đặt ra. Thomas Edison là một nhà phát minh vĩ đại người Mỹ và cũng là minh chứng tuyệt vời cho sự đam mê và kiên trì của ông. Dù phải thử đi thử lại hàng ngàn lần trước khi phát minh ra bóng đèn điện nhưng đối với ông, thất bại chỉ là một bước tiến trên con đường đến thành công. “Tôi không thất bại, tôi chỉ tìm ra 10000 cách khiến đèn không sáng.

Sự bền bỉ đóng vai trò quan trọng trên đường tới thành công

1. Sự bền bỉ là yếu tố dự báo thành công chính xác hơn so với tài năng

Người ta vẫn thường cho rằng một đứa trẻ sinh ra với tài năng thì trong tương lai sẽ thành công. Có thực sự là chỉ cần thông minh hay tài năng thì một người sẽ thành công?
Angela Duckworth không tin vào yếu tố dự báo này và đã thực hiện nghiên cứu cùng với cộng sự của mình là Martin Segilman vào năm 2004. Trong đó, cô theo dõi 140 học sinh lớp 8 trong suốt một năm học và so sánh kết quả học tập giữa chúng. Ban đầu, các học sinh này được làm bài kiểm tra IQ và mức độ tự giác thông qua các khảo sát từ chính những học sinh đó, bố mẹ và thầy cô. Nghiên cứu cho thấy rằng so với chỉ số IQ, yếu tố tự giác có ảnh hưởng lớn gấp đôi đối với sự tiến bộ trong kết quả học tập từ đầu kỳ đến cuối kỳ. Điều này cho thấy những học sinh với mức độ tự giác cao có sự cải thiện vượt bậc về kết quả học tập cuối kỳ so với những học sinh có chỉ số IQ cao. Ban đầu, nhiều học sinh với chỉ số IQ cao có thể có kết quả tốt hơn những học sinh với những học sinh có IQ khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, khi vào năm học, những học sinh IQ thấp hơn nhưng có sự tự giác cao lại có thể đảo ngược tình thế khi đạt kết quả học tập tốt hơn so với những học sinh IQ cao nhưng ít tự giác. 

Những học sinh có IQ cao cho thấy sự thất thường trong kết quả học tập còn những học sinh tự giác cho thấy sự cải thiện không ngừng.
Học viện Quân sự Hoa Kì (United States Millitary Academy), hay còn gọi là West Point, là một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ trong việc đào tạo ra các nhà lãnh đạo xuất sắc cho tương lai với đầy đủ kỹ năng và phẩm chất hiếm có. Khi bắt đầu quá trình ứng tuyển vào West Point, các ứng viên sẽ làm bài kiểm tra tổng quát (Whole Candidate Score – WCS) – một loại điểm số tương đương SAT và ACT, để lựa chọn những ứng viên tiềm năng sẽ phát triển trong môi trường khắc nghiệt này. Tuy nhiên WCS không dự đoán được ai sẽ là người sẽ trụ được tới tận cùng của khóa học khi mà cứ 5 học viên sẽ có 1 học viên bỏ cuộc và đây là câu hỏi mà nhiều nhà khoa học cũng như Học viện chưa tìm ra đáp án.

Năm 2004, vào ngày thứ hai của khóa Beast (khóa đào tạo khắc nghiệt kéo dài 7 tuần trong mùa hè đầu tiên), 1218 học viên đã làm bài kiểm tra để đánh giá “Sự bền bỉ” dựa trên thang đo (Grit Scale) do Angela Duckworth đưa ra.
Kết quả cho thấy kết luận từ thang đo “Sự bền bỉ” không hề liên quan đến WCS. Vào ngày cuối cùng của Beast, 71 học viên đã bỏ cuộc, và thang đo “Sự bền bỉ” đã dự báo chính xác, trong khi WCS không cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa những học viên ở lại và những học viên bỏ cuộc. Năm tiếp theo, Angela Duckworth quay lại West Point để làm nghiên cứu tương tự và không ngạc nhiên khi thang đo “Sự bền bỉ” đã dự báo gần như chính xác số học viên có thể trụ lại tới cùng.

Như vậy, không phải điểm SAT hay WCS, không phải thành tích học tập, không phải kinh nghiệm lãnh đạo, khả năng vận động, hay trí thông minh quyết định một ứng viên có thể vượt qua khóa đào đạo này hay không. Yếu tố quan trọng hơn cả chính là sự bền bỉ.

2. Không có sự bền bỉ, tài năng chỉ là tiềm năng không được khai phá. Tài năng chỉ có thể trở thành kĩ năng dẫn tới thành công khi kết hợp cùng sự nỗ lực.

Tài năng có thể là một lợi thế lớn cho nhiều người nhưng đó chỉ là một phần của bức tranh thành công. Thành công là kết quả của rất nhiều yếu tố. Vì thế, trước khi đổ lỗi cho sự "tầm thường" của bản thân, bạn cần biết: Thành công là kết quả của sự luyện tập từ sớm. Năng khiếu bẩm sinh không thể giúp bạn chơi quần vợt giỏi hay giải toán nhanh. Nếu không luyện tập, mọi tài năng bẩm sinh đều sẽ bị lãng phí.
Trong cuốn sách của mình, Angela Duckworth tổng kết 2 công thức dẫn tới thành công:
TÀI NĂNG x NỖ LỰC = KỸ NĂNG
KỸ NĂNG x NỖ LỰC = THÀNH CÔNG
Khi nỗ lực kết hợp với tài năng, bạn sẽ thu hoạch được kỹ năng. Và khi kỹ năng kết hợp với nỗ lực, bạn sẽ thành công. Nếu không có sự nỗ lực bền bỉ, tài năng của bạn cũng chỉ như ngọc thô không được mài dũa. Và nếu không có nỗ lực, những kỹ năng chỉ là thứ gì đó bạn ĐÃ NÊN thực hiện - điều bạn chưa từng thực sự làm. Đó là lý do vì sao sự nỗ lực bền bỉ được tính hai lần trong công thức thành công và là một nhân tố cực kỳ quan trọng.
Kỳ tích U23 Việt Nam cuối năm 2017 có thể nói là một minh chứng tuyệt vời cho công thức này. Những cầu thủ trẻ tuổi dĩ nhiên có tài năng nhưng thành công không đến dễ dàng nếu không kết hợp với sự nỗ lực và sự khổ luyện. Các cầu thủ trẻ đều tham gia các câu lạc bộ từ lúc là những cậu nhóc 11-12 tuổi, xa gia đình và phải tự lập. Hằng ngày, họ phải luyện tập đều đặn hai buổi với thời gian 90 phút đồng thời kết hợp với việc rèn luyện thể chất khác như bơi, tập gym để duy trì thể chất. Để đạt được thành công, họ đã trải qua hàng ngàn giờ luyện tập, hàng chục giải đấu lớn nhỏ - thắng có thua có - nhưng họ luôn nỗ lực vươn lên.

Một ví dụ khác, Leonardo da Vinci cũng sở hữu tài năng thiên bẩm nhưng gặt hái thành công từ sự khổ luyện từ bài học vẽ trứng. Tưởng chừng chỉ là một bài học đơn giản nhưng ý nghĩa sâu xa của người thầy “phải trải qua sự khổ luyện đến thuần thục thì mới có khả năng thể hiện được một cách thật chân thực mọi sự vật mình vẽ” đã khiến Leonardo tìm đến được sự hoàn hảo và trở thành một nhà họa sĩ tài ba, vang danh khắp thế giới.

Vậy bạn có phải người bền bỉ?

Dưới đây là một bài kiểm tra được Angela Duckworth dùng để nghiên cứu tại West Point và nhiều nghiên cứu khác. Hãy đọc những câu sau, phía bên phải sẽ có bảng tính điểm mức độ chính xác khi áp dụng trong trường hợp của bạn. Đừng nghĩ quá nhiều về câu hỏi mà hãy tập trung vào bản thân và đưa ra những nhận xét chân thực nhất nhé.
Không đúng tí nào
Không đúng lắm
Hơi đúng
Gần đúng
Đúng hoàn toàn
1. Ý tưởng hoặc dự án mới đôi lúc làm tôi xao nhãng những dự án trước
5
4
3
2
1
2. Những rào cản không làm tôi nhụt chí. Tôi không dễ dàng bỏ cuộc
1
2
3
4
5
3. Tôi thường thiết lập mục tiêu nhưng sau đó lại chọn hoàn thành một mục tiêu khác
5
4
3
2
1
4. Tôi là người chăm chỉ
1
2
3
4
5
5. Tôi thường gặp khó khăn trong việc tập trung vào dự án tốn nhiều thời gian để hoàn thành
5
4
3
2
1
6. Tôi luôn hoàn thành những việc tôi bắt đầu
1
2
3
4
5
7. Sở thích của tôi luôn thay đổi
5
4
3
2
1
8. Tôi là người kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc
1
2
3
4
5
9. Tôi thường bị ám ảnh bởi việc thực hiện một ý tưởng hoặc dự án trong một thời gian ngắn nhưng sau đó lại mất dần sự hứng thú
5
4
3
2
1
10. Tôi thường vượt qua rào cản để chinh phục những thử thách quan trọng
1
2
3
4
5

Để tính ra điểm cho thang đo “sự bền bỉ”, hãy cộng tất cả điểm từ các câu hỏi và chia cho 10. Có một điều bạn cần nhớ, đó là điểm số này chỉ phản ánh sự bền bỉ của bạn trong thời điểm hiện tại và nó có thể thay đổi theo thời gian. Nếu có đạt điểm số thấp thì cũng đừng lo nhé vì bạn có thể luyện tập và thay đổi.

Làm thế nào để trau dồi sự bền bỉ?

Theo Angela Duckworth, sự bền bỉ có thể trau dồi theo thời gian bằng “tư duy cầu tiến” – một định nghĩa được đưa ra bởi tiến sĩ Carol Dweck, Đại học Stanford.
Một người có “tư duy cầu tiến” (Growth Mindset) không ngừng tìm kiếm thử thách và xem thất bại không phải là do thiếu thông minh mà là con đường tất yếu trong quá trình trưởng thành và rèn dũa kĩ năng. Chúng ta bắt đầu biểu lộ các tư duy này khi còn rất bé (ví dụ trẻ em bị ngã khi tập đi sẽ tự đứng dậy và đi tiếp hoặc bị đau khi va vào vật cứng, sau này chúng sẽ biết tránh để không bị đau nữa). Lối tư duy này ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi, sự thành bại trong đời sống cá nhân lẫn công việc, và cả hạnh phúc của chính mình.
Mấu chốt của “tư duy cầu tiến” chính là nó tạo động lực để con người không ngừng nỗ lực học tập thay vì chỉ đơn thuần tìm kiếm sự chấp nhận. Nó tin rằng phẩm chất của con người như trí thông minh hay sáng tạo, và cả khả năng điều phối các mối quan hệ trong cuộc sống, đều được rèn giũa từ nỗ lực và luyện tập có chủ ý. Những người với tư duy này không hề gục ngã bởi thất bại, trái lại họ xem đó là một bài học để họ tiến lên.
Vậy làm sao để tôi luyện "sự bền bỉ" ở mỗi cá nhân? Hãy tham khảo những gợi ý bên dưới nhé!

1. Tìm kiếm đam mê (hoặc ít nhất là một điều khiến bạn hứng thú)

Ai cũng phải công nhận rằng, để theo đuổi mục tiêu bạn không hứng thú, bạn sẽ phải trải qua một quãng thời gian cực kỳ khó khăn. Vì thế, bước đầu tiên để trau dồi sự bền bỉ là tìm ra thứ khiến bạn hứng thú. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn chỉ ngồi đó, căng mắt ra tìm đâu là đam mê của mình. Theo Angela Duckworth, hãy đi ra ngoài, thử trải nghiệm những điều mới lạ cho đến khi bạn tìm thấy đam mê thực sự. Một khi đã tìm ra đam mê, hãy tìm cho mình một hình tượng lý tưởng, một người hướng dẫn, người anh chị đi trước để giúp bạn hoàn thiện bản thân.

2. Luyện tập, luyện tập, luyện tập

Có công mài sắt có ngày nên kim – Sự khổ luyện sẽ đưa bạn đến thành công. Làm việc và học tập chăm chỉ dần sẽ hình thành nên kỹ năng. Một khi thành thục trong một lĩnh vực, con người có xu hướng gắn kết và sẵn sàng làm việc chăm chỉ hơn trong lĩnh vực đó.
Khi đã tìm ra đam mê thực sự, mỗi ngày hãy cố gắng làm thêm một tí, hãy cạnh tranh với bạn của ngày hôm qua.

3. Hướng đến mục đích cao cả hơn

Những người kết nối với những mục đích cao cả hơn là những người bền bỉ hơn. Con người làm việc không để thành công cho riêng họ mà cần lùi một bước và hiểu điều bạn làm có đóng góp gì cho những người xung quanh.

4. Tin rằng mọi thứ đều khả thi

Nếu muốn đạt được mục tiêu của mình, trước hết bạn phải tin rằng mọi thứ đều có thể. Khi tự giới hạn bản thân, cho rằng mình không có khả năng, vô hình chung bạn đã tự làm mình chán nản – điều ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền bỉ. Về lâu dài, việc luôn luôn giới hạn mình như vậy sẽ khiến bạn không còn động lực để cố gắng, để tiếp tục hướng đến mục tiêu dài hạn của mình.
Nghiên cứu về tính khả biến thần kinh (Neuroplasticity) chỉ ra rằng mọi người có khả năng thay đổi não bộ và học những kỹ năng khác nhau trong suốt cuộc đời. Theo đó, hoạt động của não bộ liên quan đến một chức năng nhất định có thể chuyển đổi vị trí (vùng hoạt động trong não) và hàm lượng chất xám có thể thay đổi, chức năng của xi-náp có thể mạnh lên hoặc yếu đi theo thời gian. Hay nói cách khác, bạn có thể tái cấu trúc não bộ của mình thông qua sự nỗ lực và những trải nghiệm của bản thân.
5. Kết nối cùng những người cũng có tính bền bỉ
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng!” – Những người xung quanh có tác động rất lớn tới lối tư duy, cảm xúc và hành động của bạn. Khi dành đủ thời gian chơi cùng một nhóm người nhất định, bạn sẽ có xu hướng hành động tương tự nhóm người bạn chơi cùng. Những tư duy và giá trị của nhóm sẽ trở thành tiêu chuẩn mới của bạn. Vì vậy, hãy tận dụng lợi thế từ hiện tượng này, hãy tìm kiếm cho mình những người bạn có sự bền bỉ cao và điều đó sẽ âm thầm tác động khiến bạn trở nên kiên trì và bền bỉ hơn.

"Hard Thing Rule": Nguyên tắc trau dồi sự bền bỉ

Ở phần cuối cuốn sách của mình, Angela Duckworth giới thiệu cho độc giả phương pháp gia đình cô sử dụng để rèn luyện sự bền bỉ trong cuộc sống, đặc biệt là cho hai cô con gái, đó là: Hard Thing Rule gồm 3 phần:

1. Mọi người trong gia đình đều phải làm gì đó “khó”

Angela đặc biệt nhấn mạnh, đó phải là “điều đòi hỏi sự khổ luyện, điều mà khi nhận được nhận xét bạn sẽ biết cách để cải thiện và sẽ tiếp tục cố gắng đến khi thành công”. Đối với gia đình mình, cô sẽ phải học tâm lí học và luyện yoga, chồng cô sẽ phải cố gắng trở thành chuyên biên kinh doanh bất động sản giỏi và tập chạy, cô con gái sẽ học piano.

2. Bạn phải hoàn thành việc mình đã bắt đầu
Nếu bạn đã trả học phí cho một khóa học, học tiếng Anh chẳng hạn, bạn phải hoàn thành tất cả những buổi học và tuân thủ những gì được giáo viên đặt ra. Nếu đã lựa chọn bắt đầu làm một điều gì đó, đừng bao giờ cho phép bản thân bỏ cuộc giữa chừng. Dù có khó khăn đến đâu nhưng khi hoàn thành công việc bạn sẽ được nếm trải “mùi vị chiến thắng” - một cảm giác sung sướng khó có thể diễn tả bằng lời.

3. Quyền chọn lựa đâu là việc “khó” không nằm trong tay ai khác ngoài bạn.

Ngay cả khi hai đứa con gái của tôi chỉ mới 5 – 6 tuổi, chúng đều được lựa chọn đâu là việc ‘khó’ đối với chúng” – Duckworth, 2016. Ngoài chính bản thân mỗi người, không ai có quyền quyết định điều bạn nên làm hay phải làm. Việc có để bản thân kiên trì hay không cũng là do quyết định của bạn mà thôi. Hard Thing Rule sẽ chẳng còn ý nghĩa khi chính người thực hiện còn không hiểu nổi mình đang làm gì và không hề hứng thú.
Tôi nghĩ rằng việc đưa ra thông điệp này hết sức quan trọng, bố mẹ là người con cái cần để nhắc nhở chúng luyện tập và đôi khi là bắt buộc chúng hoàn thành công việc, nhưng bố mẹ cũng cần học cách tôn trọng con cái. Bạn là người đưa ra quyết định cuối cùng cho những gì bạn sẽ thực hiện."


Bài viết đã tham khảo các nội dung sau: