Bài đăng nổi bật


"Nhưng việc này có gì sai trái đâu? Mình dùng ứng dụng của họ miễn phí, họ sử dụng dữ liệu của mình để kiếm tiền, mình lại còn nhận được quảng cáo phù hợp", cô bạn Ngọc Quỳnh chia sẻ với tôi qua Messenger, khi được tôi tiết lộ cách thức Facebook và Google kiếm tiền từ dữ liệu người dùng.
Trái với những lời chia sẻ ngây ngô của cô bạn tôi về vấn đề dữ liệu cá nhân, Jim Balsillie (cựu CEO của thương hiệu điện thoại bảo mật BlackBerry nổi tiếng), tỏ ra vô cùng gay gắt với cách các công ty công nghệ làm giàu trên dữ liệu cá nhân của người dùng.
Tại phiên điều trần trước quốc hội Canada về bê bối Cambridge Analytica vào 10/5 năm ngoái, Jim tỏ ra vô cùng hào hứng trong việc "bóc phốt" những bí mật của ngành công nghiệp kỹ thuật số.

Jim cảnh báo rằng "nền kinh tế làm giàu từ dữ liệu" đang ngày càng phát triển, vượt quá khả năng kiểm soát của những nhà hoạch định chính sách. "Chúng ta đang bước vào kỉ nguyên giám sát. Thế giới sẽ sớm chia ra làm hai phần, kẻ giám sát và người bị giám sát", ông nhận định.
Đó sẽ là nơi Big Tech (4 công ty lớn Google, Facebook, Apple, Amazon) thu được lợi nhuận cực khủng đến từ việc theo dõi và khai thác hành vi hàng ngày của chúng ta "một cách vô đạo đức".
Ông đề cập đến vụ bê bối của Facebook tại Australia, khi Mark Zuckerberg cùng các cộng sự thiết kế ra thuật toán xác định những thanh thiếu niên bị stress, rối loạn lo âu và tuyệt vọng chỉ để quảng cáo tốt hơn.
Google cũng từng đối diện với cáo buộc thu thập trái phép thông tin của trẻ em thông qua YouTube. Công ty này còn dính dáng đến một công ty con phát triển các thuật toán nhằm mục đích thu hút người xem vào những nội dung cực đoan.
Tất cả chỉ để quảng cáo tốt hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Vì gần như toàn bộ số tiền mà các mạng xã hội như Facebook hay YouTube kiếm được là tiền quảng cáo. Facebook thu về hơn 55 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2018, 98% trong đó thu được từ quảng cáo. Trong khi đó, mặc dù là công ty kinh doanh tương đối đa dạng, nhưng phần lớn lợi nhuận của Google cũng đến từ tiền quảng cáo: 116 tỷ USD/136,2 tỷ USD, chiếm 85%.
Thật dễ hiểu khi các công ty này luôn cố gắng khai thác dữ liệu người dùng một cách hiệu quả nhất, để có thể quảng cáo tốt hơn và thu được nhiều lợi nhuận hơn. Bất kể bằng cách gì.
Cuối tháng 4, cổ phiếu của Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm 8%, khiến công ty này bốc hơi hơn 70 tỷ USD vốn hóa. Lý giải cho sự kiện này, George Salmon, nhà phân tích của công ty nghiên đầu tư Hargreaves Lansdown, cho rằng: "Nguyên nhân chủ yếu do việc thuật toán của Google thay đổi, khiến lượt nhấp vào quảng cáo tăng nhưng hiệu quả lại giảm".

Để gia tăng hiệu quả quảng cáo, các ông lớn công nghệ nhắm vào những đối tượng đang "phân vân". Khi tôi có ý định mua giày dép, quần áo, điện thoại… tôi thường tìm kiếm thông tin trên Google, bỏ vài món vài giỏ hàng trên các trang thương mại trực tuyến để cân nhắc.
Những ngày sau đó, hàng loạt quảng cáo liên quan đến những sản phẩm tôi quan tâm xuất hiện gần như khắp mọi nơi trên các trang web tôi truy cập. Điều này khiến tôi chú ý hơn đến quyết định mà mình vẫn đang chần chừ.
Nếu những nền tảng này có thể khôn khéo can thiệp vào quyết định mua sắm của chúng ta, thì chúng còn có thể can thiệp những gì? Vì không chỉ có hàng hóa được quảng cáo, gần như mọi thứ có thể quảng cáo trên các nền tảng của Google và Facebook (trừ một vài thứ bị cấm).
Theo Jim, "Google có thể bán được những thứ mà không ai bán được. Vì Google biết tất cả về bạn, từ dáng đi cho đến cả những sở thích kì quái ẩn sâu bên trong".

Sự kiện Cambridge Analytica đã gây chấn động dư luận thế giới, về mức độ nghiêm trọng của việc khai thác dữ liệu cá nhân. Qua đó, dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng Facebook đã bị khai thác và thao túng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Bằng cách cho hơn 270.000 người thực hiện một bản khảo sát trực tuyến có tên "thisismydigitallife", công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica đã có quyền truy cập và thu thập dữ liệu của bạn bè họ. Tiếp sau đó, công ty này thực hiện các thuật toán phân tích lượt thích, mối quan tâm, trạng thái cá nhân… của các tài khoản này, từ đó khoanh vùng từng nhóm đối tượng.
Cambridge Analytica nhắm vào những nhóm đối tượng "đang phân vân" ở một số bang nhất định của Mỹ. Sau khi đã khoanh vùng được những người dùng vẫn đang phân vân giữa Donald Trump và Hillary Clinton, họ thực hiện nhiều chiến dịch đặc biệt và cho chạy quảng cáo nhắm đến các nhóm đối tượng này để cụ thể hóa quyết định của họ.

Trong bộ phim tài liệu The Great Hack của Netflix, cựu CEO Alexander Nix của Cambridge Analytica thừa nhận đã thực hiện hàng loạt chiến dịch bêu xấu Hillary Clinton và chạy quảng cáo tin giả, nhắm đến các cử tri đã khoanh vùng để thao túng quyết định của họ.
Theo thống kê của Pew Research Center, 43% người dùng Facebook theo dõi tin tức trên chính ứng dụng này. Riêng tại Mỹ, 68% người trưởng thành thừa nhận đôi lúc xem Facebook như nơi để cập nhật tin tức. Có thể thấy, mạng xã hội 2,7 tỷ người dùng này là vùng đất màu mỡ cho tin giả.
Dựa vào thói quen theo dõi tin tức của người dùng, đội ngũ của Cambridge Analytica đã tung ra hàng loạt những tin tức hạ thấp Hillary Clinton như cho rằng vị nữ chính khách này đang gặp các vấn đề về sức khỏe, bê bối gia đình trong quá khứ… hay thậm chí ủng hộ các nhóm khủng bố Trung Đông (bao gồm cả ISIS). Theo thống kê của Đại học Bang Ohio, 45% số cử tri được hỏi cho biết họ tin ít nhất một trong những loại tin giả này là thật.
Bên cạnh đó, hàng loạt tin giả khác thúc đẩy sự nghi ngờ về độ ổn định chính trị của Mỹ như các tin tức tiêu cực về người nhập cư, sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố trong lòng nước Mỹ… gián tiếp thúc đẩy sự ủng hộ cho các tuyên bố của Donald Trump.
Sau thời gian dài bị "khủng bố về mặt nhận thức" bởi các tin giả, những đối tượng "đang phân vân" dần định hình rõ quan điểm chính trị của mình.
Những nút like nhỏ bé, các mối quan tâm bị theo dõi… dần chuyển thành quyết định và phiếu bầu. Kết quả là, nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đón nhận kết quả của cuộc bầu cử bất ngờ nhất lịch sử nhân loại với chiến thắng nghiêng về Donald Trump - người đã bị đánh giá thấp hơn nhiều so với đối thủ.

Vụ bê bối này đã gây chấn động thế giới, khiến đại diện của nhiều tập đoàn công nghệ phải điều trần trước quốc hội các nước phương Tây, trong đó có Mark Zuckerberg - ông chủ của Facebook.
Trước khi được cả thế giới biết đến, Cambridge Analytica đã thực hiện hơn 200 chiến dịch tranh cử trên khắp thế giới, theo lời các giám đốc của công ty này. Trong đó, nổi bật có thể kể đến chiến dịch tranh cử của Donald Trump và chiến dịch liên quan đến Brexit.
Nhưng dường như những bê bối này còn khá xa lạ với người Việt.

Đầu tháng 9, máy chủ chứa dữ liệu của hơn 419 triệu người dùng Facebook bị rò rỉ, trong đó có hơn 50 triệu người dùng Việt Nam. Máy chủ này lưu trữ các thông tin như số điện thoại, giới tính, quốc gia… giúp tin tặc lợi dụng để spam tin nhắn, cuộc gọi rác hay thậm chí bẻ khóa một số mật khẩu liên kết với số điện thoại.
Tuy nhiên, rủi ro về dữ liệu cá nhân lớn hơn nhiều so với việc bị làm phiền.
Trong thời đại kỹ thuật số, mọi hành vi của chúng ta phần lớn thực hiện trên các ứng dụng công nghệ và chúng đều được lưu giữ, phân tích. Có lẽ không quá viển vông khi nói Facebook, Google mới là người hiểu chúng ta nhất.

Khi chúng ta đăng nhập vào YouTube, Facebook, Instagram… mọi thứ chúng ta được nhìn thấy được thiết kế dành riêng cho mỗi người. Các thuật toán của những nền tảng này phân tích kỹ lưỡng từng người dùng, xếp họ vào từng nhóm riêng biệt và quyết định xem họ sẽ nhìn thấy thông tin nào trước, thông tin nào sau. Điều này có thể gia tăng trải nghiệm người dùng, nhưng còn phục vụ cho mục đích quảng cáo và có thể bị lợi dụng bởi những bên thứ ba như Cambridge Analytica.
Chúng ta hoàn toàn không biết bọn họ (Facebook, Google hay các công ty như Cambridge Analytica) có được những dữ liệu gì về từng cá nhân người dùng. David Caroll, người đã kiện Cambridge Analytica và yêu cầu họ trả về thông tin cá nhân của ông, đến nay vẫn chưa nhận được bảng dữ liệu của mình. Ông chỉ yêu cầu một điều đơn giản, về thứ vốn thuộc về ông: "Liệu tôi có thể xem những dữ liệu các người có về tôi không?". Câu trả lời ông nhận được là không, Cambrigde Analytica thà đối mặt với án hình sự còn hơn tiết lộ cho nhân loại biết họ biết những gì về các cá nhân.
Trong khi các tập đoàn Big Tech vẫn kiếm hàng chục đến hàng trăm tỷ USD dựa trên dữ liệu cá nhân của chúng ta, những công ty thứ ba như Cambridge Analytica vẫn đang âm thầm thực hiện những chiến dịch thao túng chúng ta… thì chúng ta có vẻ vẫn còn quá vô tư với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tôi có phỏng vấn một số người bạn, họ thậm chí còn không biết dữ liệu cá nhân bao gồm những gì và có thể ảnh hưởng như thế nào. Có lẽ đa phần mọi người vẫn nghĩ dữ liệu cá nhân chỉ bao gồm những thông tin cơ bản như tên, tuổi, địa chỉ email, số điện thoại, số thẻ ngân hàng…

"Tại sao lượt thích và trạng thái công khai trên Facebook lại là dữ liệu cá nhân? Mấy cái đấy ai biết cũng có làm sao đâu", Gia Thịnh, anh chàng sinh viên đại học năm 2 thắc mắc.
Chúng là dữ liệu cá nhân, vì chúng phản ánh chủ nhân của dữ liệu đó. Mỗi lượt click, lượt thả tim, cách chúng ta cuộn tin và dừng lại ở đâu đó trên bảng tin thể hiện những điều chúng ta quan tâm, yêu thích, sợ hãi và tức giận.
Điều nguy hiểm là khi chúng ta đang bị kiểm soát một cách khéo léo, nhưng vẫn cho rằng mình có tự do ý chí. Học giả Yuval Harari cho rằng mỗi cá nhân mang theo những đặc điểm của riêng họ và các tập đoàn lớn có thể lợi dụng điều này.


Theo Yuval Harari chia sẻ trong cuốn "21 bài học của thế kỷ 21", con người bị "hack" thông qua những lo sợ, hận thù, thiên kiến và những ham muốn của chính bản thân mình. Khi các "hacker" khám phá ra điều này, họ có thể kích động những nỗi sợ, ham muốn hay sự tức giận lớn hơn. Rồi từ đó, họ có thể bán cho bạn bất kỳ thứ gì, từ món hàng cho đến chính trị gia.
David Caroll thể hiện những trăn trở trong bộ phim tài liệu The Great Hack nói về vụ bê bối Cambridge Analytica: "Vụ kiện Cambridge Analytica đã khép lại, họ nhận tội vì từ chối cho tôi xem dữ liệu cá nhân của mình. Có lẽ tôi chẳng bao giờ được xem nó. Khi con gái tôi 18 tuổi, nó sẽ có hơn 700.000 điểm dữ liệu định nghĩa con người nó. Nhưng nó chẳng có bất kỳ quyền nào đối với chúng cả".

Các quốc gia trên thế giới sớm nhận ra giá trị của những "tài nguyên ảo". Các tài sản hữu hình như tài nguyên, hàng hóa... ngày càng giảm tỉ trọng, nhường chỗ cho những sáng chế, phần mềm, thuật toán và dữ liệu. Hơn 90% tài sản của Big Five (5 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới) đến từ những tài sản vô hình. Các chính phủ đã sớm nhận thấy điều này và có những động thái can thiệp.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từng tuyên bố rằng ông ủng hộ một hệ thống quản trị dữ liệu toàn cầu. Các nhà lập pháp của EU thì thể hiện quyền lực của mình bằng cách "tát liên tục" Google bằng những khoản phạt khổng lồ khi công ty này có động thái bành trướng sự độc quyền.
Một số cơ quan chính phủ của Pháp yêu cầu Google không được phép đặt trình duyệt mặc định trên các thiết bị, thay vào đó họ sẽ sử dụng Qwant - một công cụ trong nước tuyên bố rằng họ không sử dụng dữ liệu người dùng. Tại Berlin, Google cũng đã phải đình chỉ vô thời hạn dự án xây dựng trường đại học của mình, sau hai năm đối diện với các chiến dịch tẩy chay "Cút đi, Google!".
Một cuộc thăm dò của The Globe and Mail (tờ báo ở Canada) vào cuối năm 2018 cho thấy có đến 83% người Canada tỏ ra quan tâm đến cách các nền tảng truyền thông xã hội quản lý thông tin cá nhân của họ.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn hơn về dữ liệu cá nhân và tỉnh táo hơn khi sử dụng những ứng dụng gắn mác "miễn phí".


Thực hiện:

Bài: Trần Tiến
Thiết kế: Duy Nguyễn
Minh họa tham khảo: Adrien Kulig; Sherman Fuchs


Post a Comment

أحدث أقدم