Bài đăng nổi bật

 Đó là ngày 21/12/1990, tại cơ sở của CERN nằm ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ, nhà vật lý học, chuyên gia phần mềm người Anh Tim Berners-Lee đã khởi chạy thành công trang web đầu tiên trên thế giới, với tên miền info.cern.ch, chạy trên 1 máy chủ NeXT của CERN. Hiện trang web này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.


Dĩ nhiên, vào thời điểm đó, chỉ có Berners-Lee và các đồng nghiệp của mình tại CERN mới có thể truy cập vào trang web này bởi 1 lý do đơn giản: chỉ có máy tính của họ mới có trình duyệt web. Phải đến tận năm 1993, khi trình duyệt Mosaic dành cho nền tảng Unix và Windows ra đời, lúc này website mới bắt đầu dần trở nên phổ biến hơn.

Nội dung của trang web cung cấp các thông tin về world wide web, nền tảng cơ bản của Internet, nơi các văn bản và các trang trên Internet có thể truy cập bởi các URL (Uniform Resource Locator – Định vị Tài nguyên thống nhất) và kết nối với nhau thông qua các siêu liên kết.

Khi Berners-Lee sáng tạo ra trang web đầu tiên, mạng “Internet” là một nhóm các tài liệu tĩnh, sử dụng gần như độc quyền bởi các tổ chức quốc phòng và các tổ chức nghiên cứu mang tính học thuật. Ý tưởng khởi tạo website của Berners-Lee nhằm giúp cho phép các tài liệu điện tử trên Internet dẽ dàng được tìm kiếm và chia sẻ.

“Khi chúng ta liên kết thông tin trên web, chúng ta có thể khám phá sự thật, tạo ra những ý tưởng, mua bán mọi thứ và tạo nên những mối quan hệ với tốc độ và quy mô không thể tưởng tượng được vào thời đại đó”, Berners-Lee, “cha đẻ” của trang web đầu tiên chia sẻ.

Mặc dù trang web đầu tiên được ra đời vào ngày 21/12/1990, tuy nhiên đến ngày 6/8/1991, Berners-Lee mới đăng tải công khai bản tóm tắt về dự án xây dựng trang web của mình trên một số nhóm hoạt động trên Internet. Đây là động thái đánh dấu sự ra mắt công khai của trang web đầu tiên trên thế giới với cộng đồng Internet.

Năm 1994, Berners-Lee thành lập Tổ chức World Wide Web (thường biết đến với tên gọi W3C) tại học viện công nghệ MIT (Bang Massachusetts, Mỹ). Tổ chức W3C sẽ chịu trách nhiệm để tạo ra những tiêu chuẩn cho các trang web để đảm bảo rằng các trang web khác nhau sẽ hoạt động theo cách tương tự nhau.

Hiện tại Berners-Lee vẫn tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo W3C. Mặc dù hiện nay vẫn có một vài sự khác biệt giữa các trang web và trình duyệt, nhưng nếu không có sự định hướng của W3C, chắc hẳn thế giới web sẽ trở thành một “mớ hỗn độn” và sẽ không như chúng ta biết ngày hôm nay

Tim Berners-Lee, “cha đẻ” của website

Berners-Lee cũng đang kêu gọi một tiêu chuẩn riêng tư mới trên web, nơi người dùng có quyền sở hữu hợp pháp những dữ liệu của họ trên web mà không ai được sử dụng nếu không có sự cho phép của người dùng.

Có thể nói, sự ra đời của web là một trong những sự ra đời có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Internet. Thậm chí, nhiều người cho rằng nếu không có sự xuất hiện của website, chưa chắc Internet đã trở nên phổ biến rộng rãi và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống ngày nay.

Post a Comment

أحدث أقدم